Khởi nghiệp tinh gọn là gì? Tại sao khởi nghiệp tinh gọn ngày càng được nhiều doanh nghiệp áp dụng khi xây dựng mô hình khởi nghiệp? Liệu đây chỉ là xu hướng ngắn hạn hay là nhân tố thay đổi hoàn toàn cuộc chơi của các startup trong tương lai? Hãy cùng trường quản lý SOM-AIT tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
Khởi nghiệp tinh gọn (lean startup) là gì?
Trước khi đi sâu vào các định nghĩa của startup, hãy bắt đầu với định nghĩa căn bản nhất – Startup là gì?
Startup là các doanh nghiệp mới thành lập, thường cung cấp những sản phẩm, dịch vụ mới mà họ tin rằng nó sẽ giải quyết được nhu cầu còn tồn động của khách hàng. Ví dụ như Uber, dịch vụ gọi xe công nghệ đầu tiên, được ra đời để kết nối người gọi xe và tài xế một cách nhanh chóng để giải quyết nhu cầu di chuyển còn nhiều bất cập trước đó.
Startup thường bị nhầm lẫn với lập nghiệp vì đều là những doanh nghiệp mới bắt đầu vận hành. Lập nghiệp là những doanh nghiệp cung cấp những sản phẩm, dịch vụ đã tồn tại trên thị trường như mở một nhà hàng, kinh doanh một cửa hàng quần áo…Trong khi, startup lại mang đến sản phẩm, dịch vụ mới hoàn toàn cho thị trường với niềm tin rằng sẽ đáp ứng được những nhu cầu chưa được khai thác hoặc chưa được giải quyết triệt để trước đó của khách hàng.
80% startup thất bại trong năm đầu tiên vì các ý tưởng kinh doanh thường dựa trên niềm tin chủ quan của những nhà sáng lập, họ tin rằng những “đứa con tinh thần” của mình sẽ giúp ích cho khách hàng, thậm chí thay đổi xã hội. Và khởi nghiệp tinh gọn ra đời như một giải pháp mới nhằm giải quyết thế cục nhiều rủi ro này.
Khởi nghiệp tinh gọn (lean startup) là chiến lược kinh doanh định hướng cho các startup cung cấp những sản phẩm, dịch vụ dựa trên nhu cầu đã xác thực thay vì phải tạo ra nhu cầu mới và chờ đợi thị trường tiếp nhận. Trường phái khởi nghiệp hiện đại này an toàn hơn, giúp rút ngắn thời gian có được lợi nhuận từ đó cắt giảm các chi phí vận hành. Vì khả năng cân đối được bài toán chi phí trong khi gia tăng tỷ lệ thành công nên lean startup được xem là làn sóng mới trong khởi nghiệp.
Nhưng cụ thể thì khởi nghiệp tinh gọn khác gì so với khởi nghiệp truyền thống?
Phân biệt khởi nghiệp tinh gọn với khởi nghiệp kinh doanh truyền thống?
Khởi nghiệp tinh gọn và khởi nghiệp truyền thống có 3 điểm khác nhau lớn nhất như sau:
1. Định hướng chiến lược kinh doanh:
Doanh nghiệp áp dụng lean startup không xây dựng kế hoạch kinh doanh mới hoàn toàn mà sẽ tìm kiếm và áp dụng mô hình kinh doanh có sẵn. Những mô hình này giúp định hướng ban đầu, sau đó các nhà quản lý từng bước điều chỉnh cho phù hợp với thực trạng doanh nghiệp. Bởi vậy, khởi nghiệp theo hình thức lean startup thường giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và ít rủi ro hơn so với việc thử nghiệm các mô hình ‘chưa có tiền lệ’ hay tham chiếu.
Khởi nghiệp truyền thống thì ngược lại, kế hoạch kinh doanh được xây dựng mới hoàn toàn cho nên thiếu cơ sở định hướng và phải đối mặt với nhiều rủi ro. Như vậy, việc thành bại của startup sẽ phụ thuộc vào khả năng dẫn dắt của người lãnh đạo. Đặc biệt, khi khởi nghiệp lần đầu, những nhà lãnh đạo còn thiếu kinh nghiệm sẽ không tránh khỏi những sai sót hay quyết định sai lầm dẫn đến những lỗ hổng khó lấp, thậm chí là thất bại.
2. Trọng tâm của quá trình phát triển sản phẩm
Khởi nghiệp truyền thống tập trung vào việc hoàn thiện sản phẩm sau đó sản phẩm sẽ trực tiếp gia nhập thị trường. Chiến lược này bỏ qua quá trình khảo sát phản ứng của khách hàng mà sử dụng nguồn lực cho việc xây dựng các kế hoạch và điều hướng doanh nghiệp theo kế hoạch khi sản phẩm đã gia nhập thị trường.
Lean startup thì đặt khách hàng ở trọng tâm và những sản phẩm mới được phát triển nhằm giải quyết thỏa đáng các nhu cầu của họ. Để xác thực khả năng đáp ứng nhu cầu này, sản phẩm sẽ được xây dựng các kết quả giả định về mức độ đón nhận của khách hàng khi có mặt trên thị trường và tiến hành kiểm nghiệm trên thực tế. Sau cùng, các sản phẩm minh chứng được sự đón nhận của khách hàng mới chính thức có mặt trên thị trường.
Trên thực tế cũng có những trường hợp ngoại lệ, nhưng nhìn chung lean startup an toàn và nhanh chóng hơn trong khi khởi nghiệp truyền thống mất nhiều nguồn lực chuẩn bị kế hoạch nhưng vẫn phải chấp nhận nhiều rủi ro. Vì sự đón nhận của thị trường rất khó để dự đoán, hơn nữa quá trình giáo dục khách hàng (educate consumers) sẽ mất nhiều thời gian khiến các startup phải “gồng” chi phí và ảnh hưởng đến quá trình gọi vốn trong giai đoạn đầu.
3. Quan điểm tuyển dụng và báo cáo tài chính
Quan điểm của mô hình truyền thống là tuyển dụng dựa trên kinh nghiệm và khả năng gắn bó. Trong khi đó, khởi nghiệp tinh gọn ưu tiên các ứng viên có tinh thần học hỏi cao,có khả năng thích nghi và đáp ứng nhanh chóng cho công việc. Trong bối cảnh đầy biến động như hiện nay, mô hình lean startup có phần vượt trội hơn vì giúp doanh nghiệp có được đội ngũ thích ứng linh hoạt trước nhiều tình huống khác nhau.
Ở góc độ tài chính thì lean startup sẽ xem xét giá trị vòng đời khách hàng (customer lifecycle), chi phí có 1 khách hàng mới (customer acquisition cost), tỷ lệ khách hàng rời bỏ (churn rate), độ phủ của sản phẩm trên thị trường còn kinh doanh truyền thống lại quan tâm báo cáo thu nhập, bảng cân đối kế toán và báo cáo dòng tiền trong doanh nghiệp.
Góc nhìn tài chính là một phần trong tư duy kinh doanh. Với khởi nghiệp tinh gọn khách hàng luôn ở trọng tâm, ngay cả ở góc nhìn tài chính. Mô hình khởi nghiệp tinh gọn đánh giá hiệu quả kinh doanh thông qua các chỉ số liên quan đến khách hàng, làm sao để nhiều khách hàng tiềm năng trở thành khách hàng thực, tiếp tục duy trì lòng trung thành và giảm tỷ lệ khách hàng rời bỏ.
Khởi nghiệp truyền thống thì nhắm đến việc thu hồi vốn nhanh chóng bằng cách gia doanh thu, tối đa lợi nhuận, tối ưu chi phí.
Có thể thấy lean startup đã khắc phục được các vấn đề và nổi bật hơn so với khởi nghiệp kinh doanh truyền thống. Nhưng làm sao để áp dụng lean startup khi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh trong bối cảnh mới?
Yêu cầu khi khởi sự doanh nghiệp với lean startup
Khởi nghiệp tinh gọn tận dụng 100% nguồn lực để khỏa lấp sự hài lòng của khách hàng từ đó duy trì sự tồn tại các doanh nghiệp. Thế nên khởi sự doanh nghiệp với lean startup không những phải linh hoạt trước mọi nhu cầu của khách hàng mà còn phải đáp ứng các yêu cầu sau:
1. Cải tiến liên tục theo “nhất cử, nhất động” của khách hàng
Khởi nghiệp tinh gọn cho rằng việc xây dựng kế hoạch kinh doanh cho nhiều năm tiếp theo dựa trên những dữ kiện của hiện tại là lãng phí thời gian. Thay vào đó, các doanh nghiệp cần liên tục thống kê hành vi, nắm bắt phản ứng của khách hàng để đáp ứng, cải tiến liên tục mới là việc cần làm. Khi theo đuổi mô hình lean startup, doanh nghiệp cũng sẽ dần cải tiến, mở rộng quy mô theo thời gian cho nên những kế hoạch vừa khiến mất nhiều thời gian, vừa không mang tính ứng dụng cao.
2. Thấu hiểu từng điểm chạm với khách hàng
Quá trình kiểm nghiệm sản phẩm trên thị trường không chỉ để thăm dò phản ứng của khách hàng, đối tác về tính năng sản phẩm mà còn cần làm rõ quan điểm của họ về mức giá, bao bì, kênh phân phối, khả năng mua lại… Như vậy, từ cả những điểm chạm nhỏ nhất doanh nghiệp mới có thể khắc phục triệt để vấn đề, tăng chất lượng phục vụ và duy trì, mở rộng tệp khách hàng.
3. Muốn thắng thì phải nhanh
Khi áp dụng mô hình lean startup, doanh nghiệp không những phải khắc phục nhiều vấn đề mà còn phải xử lý nhanh nhất có thể. Bởi vì, khách hàng ngày nay thay đổi liên tục và nếu không được đáp ứng kịp thời thì họ sẽ dễ dàng rời đi, hoặc bị đối thủ cạnh tranh giành mất thị phần. Vì thế, khởi nghiệp tinh gọn cũng không đòi hỏi dữ liệu khi kiểm nghiệm trên thị trường phải hoàn tất xử lý mà chỉ cần nó đủ tốt để nắm bắt khách hàng, đủ cơ sở để doanh nghiệp giải quyết nhanh nhu cầu của họ.
4. Sẵn sàng cho những trường hợp xấu nhất
Doanh nghiệp áp dụng lean startup cần sẵn sàng tâm thế cho tình huống xấu nhất- thất bại, như một chuyện tất yếu. Nhưng khởi nghiệp tinh gọn định hướng sẵn cách xử lý là rà soát liên tục, từng phần một để xác định và loại bỏ nguyên nhân dẫn đến thất bại. Đây cũng là điểm yếu của khởi nghiệp truyền thống được giải quyết khi áp dụng lean startup vì theo cách cũ khi thất bại xảy ra thì sa thải nhân sự chính là giải pháp trước tiên thay vì cả tổ chức chuẩn bị tinh thần trước và cùng nhau xử lý vấn đề.
Việc đáp ứng các yêu cầu trên là chỉ mới là bước chuẩn bị để khởi nghiệp thành công với lean startup cần thực hiện một quy trình chuẩn chỉnh. Vậy quy trình đó gồm cụ thể những bước nào?
Quy trình triển khai mô hình khởi nghiệp tinh gọn
Các yếu tố chính của trong khởi nghiệp tinh gọn là ý tưởng khởi nghiệp, sản phẩm và dữ liệu (data); chúng gắn liền với 3 bước quan trọng nhất của quy trình khởi nghiệp tinh gọn. Bao gồm:
Bước 1: Xây dựng MVP
Ý tưởng khởi nghiệp sau khi được hình thành sẽ chuyển đến bước phát triển sản phẩm. Mục tiêu đầu ra ở bước này chính là Minimum viable product (MVP) – sản phẩm thử nghiệm có đủ các tính năng thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, được dùng để thu thập phản hồi của người dùng, từ đó tạo cơ sở để phát triển các phiên bản hoàn thiện hơn.
Bước 2: Đo lường hành vi và phản ứng của khách hàng
Quá trình đánh giá, đo lường hiệu năng của sản phẩm được lặp lại liên tục cho đến khi tìm ra phiên bản tốt nhất thì sản phẩm sẽ được tung ra thị trường.
Bước 3: Đúc kết kinh nghiệm
Thành công hay thất bại đều sẽ để lại những bài học , kinh nghiệm cho các startup. Việc nhìn nhận và đúc kết từ toàn bộ quá trình thực thi là cơ hội để doanh nghiệp đánh nhận biết, phát huy những điểm mạnh và loại bỏ các nhược điểm. Từ những kinh nghiệm thực chiến này, doanh nghiệp mới dần vững chãi, xác định đúng đối tượng mục tiêu, hiểu rõ thị trường và phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Khởi nghiệp tinh gọn là một quá trình lặp lại liên tục của thử, sai và sửa nhưng thử những trường hợp đáng thử và có kế hoạch sẵn sàng để sửa khi sai. Trong khi với chiến lược khởi nghiệp cũ, doanh nghiệp phải chấp nhận nhiều rủi ro để tìm thị trường phù hợp cho sản phẩm của mình và loay hoay khi phát sinh vấn đề. Lean startup đã mở một trang mới cho các startup, doanh nghiệp mới tránh được những rủi ro không đáng, chuẩn bị tâm thế và sẵn sàng kế hoạch cho cả những thất bại.
Thế nên, mô hình này mới được dự đoán là sẽ thay đổi cục diện thương trường trong tương lai. Khi những doanh nghiệp mới không còn “mong manh” và thiếu định hướng, con số 80% startup thất bại chắc chắn sẽ thay đổi trong tương lai.